Ngành Tài chính chủ động chuyển đổi số

Ngô Văn Anh
Ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Cán bộ Chi cục Hải quan Hải Dương tư vấn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục

Cán bộ Chi cục Hải quan Hải Dương tư vấn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu từ xa qua kết nối Internet. Ảnh: Vũ Dương

Từ những kết quả thực tế cho thấy, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính thực sự góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Chủ trương, kế hoạch rõ ràng và cụ thể

Theo đại diện Cục Tin học và Thống kê tài chính (THTK) Bộ Tài chính, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử, đơn vị đã tham mưu, phối hợp trình lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành một loạt quyết định quan trọng, như: Quyết định số 446/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 2445/QĐ-BTC về việc ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử ngành Tài chính.

Đây là 2 nội dung Bộ Tài chính ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong ngành, tổ chức triển khai thực hiện.

Ngày 7/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP, để đảm bảo triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của Bộ Tài chính thực hiện tốt các mục tiêu Chính phủ giao và Quyết định số 2445/QĐ-BTC, Cục THTK trình Bộ ban hành Quyết định số 844/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP.

Tại Quyết định số 1874/QĐ-BTC mới được ban hành gần nhất, Bộ Tài chính đã lồng ghép các nội dung tại Quyết định 446/QĐ-BTC, Quyết định 844/QĐ-BTC, Quyết định 843/QĐ-BTC, đồng thời cập nhật thêm các nhiệm vụ mới để các đơn vị trong ngành Tài chính chủ động theo dõi thực hiện và báo cáo Chính phủ.

Bộ Tài chính ban hành hàng loạt quy định phát triển ứng dụng, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và an toàn, an ninh thông tin, như: quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính; Quy chế quản lý, vận hành hệ thống kết nối chia sẻ dữ liệu số ngành Tài chính…

Bộ Tài chính thực hiện kết nối chia sẻ các thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó thực hiện cung cấp các chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách…

Hiệu quả thiết thực

Thực tế cho thấy, công tác hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính - ngân sách đã được Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng và đã đạt được những bước tiến lớn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành.

Đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến 19/2/2021, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 802.792 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,86%.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 801.460 doanh nghiệp, đạt 98,95% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đến nay có 255 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng đáp ứng yêu cầu khai điện tử tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại tất cả các sân bay quốc tế trên cả nước. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đến nay, 99,65% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc tham gia hệ thống VNACCS/VCIS.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Đến nay, 44 ngân hàng đã phối hợp thu với Tổng cục Hải quan trong đó có 37 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Trong lĩnh vực kho bạc, hệ thống thanh toán song phương điện tử đã triển khai thành công và phối hợp thu ngân sách trên toàn quốc với bốn hệ thống ngân hàng thương mại cho toàn bộ các kho bạc nhà nước (KBNN) cấp huyện trong hệ thống KBNN và sở giao dịch KBNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ ngân sách.

Từ những kết quả thực tế cho thấy, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính thực sự góp phần quan trọng cho cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của đất nước, theo định hướng của Chính phủ.

08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN