Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024

Chu Thao
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới được công bố, dự báo năm 2023 nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới được công bố, dự báo năm 2023 nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024.

Nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo. Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý 4 năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023, ADB dự báo. Nhu cầu toàn cầu giảm đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất chế biến chế tạo đã giảm xuống dưới 50 trong bốn tháng liên tiếp do lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu giảm trong khi lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng tiêu dùng không có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm này; chỉ số này sau đó đã hồi phục từ 46,4 vào tháng 1 năm 2023 lên 51,2 vào tháng 2/2023. Công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.

Dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Theo báo cáo của ADB, ban đầu, Trung Quốc đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, vào ngày 12/3/2023, danh sách sửa đổi đã bổ sung Việt Nam, cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.

Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỉ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài sẽ vẫn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Vốn FDI đăng ký mới giảm 38% và giải ngân giảm 4,9% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô.

Về phía cầu, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi xướng trong tháng 1/2022 và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ hai tháng đầu năm 2023 cao hơn 24,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước đại dịch, mặc dù một phần là nhờ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023. Xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 16,0%. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7,0% trong năm nay và năm 2024. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.

Chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ, qua đó có khả năng làm giảm lạm phát do chi phí đẩy từ bên ngoài. Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tăng, khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.

Những yếu tố này khiến Chính phủ vào ngày 7/3 đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất chiết khấu từ 4,5% xuống còn 3,5%, lãi suất qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán bù trừ qua ngân hàng Trung ương từ 7,0% xuống 6,0% và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5% xuống còn 5,0%, tất cả các điều chỉnh giảm lãi suất đều có hiệu lực từ ngày 15/3. Ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,0%.

Theo ADB, rủi ro bên ngoài đối với dự báo này đang có xu hướng tác động tiêu cực. Các rủi ro chính bên ngoài đối với dự báo gồm có suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các đối tác thương mại lớn và sự leo thang trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thị trường tài chính bất ổn trong năm 2022, làm tăng rủi ro. Gian lận tài chính gây tác động mạnh tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, khiến lượng phát hành trái phiếu trong Quý 4 giảm 98,8% so với một năm trước đó. Lượng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 ước tính khoảng 10 tỉ đôla, trong đó 42,8% là từ bất động sản và 30,8% từ ngân hàng. Do các ngân hàng có khả năng chống chịu tốt, nên sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống nghiêm trọng. Tỉ lệ an toàn vốn so với tài sản có rủi ro vẫn ở mức trên 8% theo yêu cầu của Basel II. Báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn khả quan trong quý 4 năm 2022.

Tín dụng ngân hàng dành cho bất động sản năm 2022 tăng 24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng nợ xấu gộp tăng từ 3,8% vào năm 2021 lên tới 4,5% vào năm 2022 và có thể tiếp tục tăng trong năm nay, ADB dự báo. Rủi ro lan truyền hơn có thể đến từ việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng và tỉ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Tỉ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 85%.

Tuy nhiên, Chính phủ đã phản ứng kịp thời trước điều kiện thị trường xấu đi. Nghị định 65 nhanh chóng được thông qua trong quý 3 năm 2022 nhằm tăng cường quản trị trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này không cải thiện được tâm lý thị trường và các nhà đầu tư đột ngột ngừng mua trái phiếu doanh nghiệp do nghi ngờ về khả năng trả nợ trái phiếu. Sau đó, Chính phủ đã lùi thời hạn thực hiện một năm đối với các quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm xếp hạng tín dụng bắt buộc đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính phủ đã ban hành một nghị định khác vào ngày 5/3/2023 cho phép thanh toán lãi và gốc trái phiếu không chỉ bằng tiền mặt mà còn bằng tài sản vật chất và tài sản khác. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thực thi, do nhiều tài sản vật chất chưa có đủ cơ sở pháp lý để định giá. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tiền gửi của ngân hàng để cải thiện tỉ lệ cho vay trên tiền gửi và mở rộng dư địa tín dụng của ngân hàng. Ngày 17/2/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một chương trình tín dụng trị giá 5 tỉ USD cho nhà ở xã hội, do bốn ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện.

Việc ban hành Nghị định 65 của Chính phủ là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.

Cuối cùng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỉ USD đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu./.

Mạnh Hùng
08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN