Bắc Giang: Nghệ nhân quan họ - nuôi dưỡng tình yêu di sản

Vương Xuân Nguyên

Đắm mình trong câu hát

Lớn lên từ chiếc nôi quan họ bờ Bắc sông Cầu, ông Hoắc Công Chờ (SN 1936), thôn Trung Đồng, xã Vân Trung biết hát quan họ từ lúc 7 tuổi. Hơn 70 năm hát quan họ, trong đó có 55 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Quan họ Trung Đồng, ông tích lũy nhiều vốn kiến thức, kỹ thuật về hát quan họ. Năm 2019, ông Chờ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Dù tuổi cao ông vẫn nhớ, lưu giữ hơn 100 làn điệu quan họ cổ và truyền dạy cho biết bao thế hệ trẻ trong làng, xã. Với kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, nghệ nhân Hoắc Công Chờ được coi là một trong những “báu vật sống quan họ”.

gioa duyen

Liền anh, liền chị quan họ Nội Ninh, xã Ninh Sơn.

Cũng như nghệ nhân Hoắc Công Chờ, bà Đàm Thị Bùi (SN 1957), thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn cũng yêu thích quan họ, được bà và mẹ dạy hát từ lúc 9-10 tuổi. “Lúc đầu tôi thấy khó, sau quen rồi thấy đam mê. Có những hôm tôi theo mẹ hát thâu đêm, không biết mệt”, bà Bùi tâm sự. Từ khi là học trò cấp 2, sau này tham gia công tác thôn phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ, bà Bùi vẫn luôn duy trì sinh hoạt, truyền dạy cho rất nhiều người về lề lối hát quan họ với hàng trăm làn điệu cổ. Từ năm 2003 đến nay, bà là Chủ nhiệm CLB Quan họ thôn Nội Ninh. Vào Chủ nhật hằng tuần, CLB tổ chức sinh hoạt khi tại gia đình bà, lúc ở nhà văn hóa hoặc ở sân đình với số lượng hơn 40 thành viên tham gia. Người cao tuổi nhất hơn 90, trẻ nhất lên 9. Dịp hè, bà Bùi được Trường Tiểu học Ninh Sơn mời truyền dạy hát quan họ cho học sinh.

Huyện Việt Yên tự hào sở hữu kho tàng văn hóa quan họ đặc sắc được lưu truyền từ bao đời, nơi sản sinh ra những liền anh, liền chị đa tài, duyên dáng. Đây cũng là địa phương có số người được công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, quan họ nói riêng đông nhất tỉnh. Từ năm 2015 đến 2019, toàn huyện có 15 người được công nhận nghệ nhân (chủ yếu là nghệ nhân quan họ). Mới đây, trong số 15 cá nhân được Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Giang lần thứ ba-năm 2021 xét chọn trình hội đồng cấp bộ, huyện Việt Yên có 8 hồ sơ, trong đó 5 hồ sơ thuộc lĩnh vực dân ca quan họ.

Ông Đào Trọng Ca, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Việt Yên chia sẻ, trong hoạt động bảo tồn, giữ gìn di sản quan họ, các nghệ nhân được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ những giá trị đặc sắc của dân ca quan họ. Họ có công trực tiếp truyền dạy, ghi chép, trao đổi hướng dẫn cho các lớp liền anh, liền chị, lấy đó làm tài liệu học tập trong việc bảo tồn di sản.

Giữ gìn di sản

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”, UBND huyện chỉ đạo xây dựng, triển khai 2 đề án về quan họ, gồm “Bảo tồn lối hát đối đáp quan họ năm 2012” và “Nhân rộng lối hát đối đáp quan họ ở 5 làng quan họ cổ Mai Vũ, Nội Ninh, Hữu Nghi, Giá Sơn, Sen Hồ giai đoạn 2013 - 2014”. Đến nay, toàn huyện có 18 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, 50 CLB quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, 120 CLB quan họ thực hành thu hút hàng trăm nghệ nhân, các liền anh, liền chị tham gia sưu tầm, truyền dạy cho lớp trẻ, giới thiệu, quảng bá quan họ. Nhiều nghệ nhân đã dành trọn cuộc đời cho quan họ.

Điển hình như Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Hiệp (SN 1962), Chủ nhiệm CLB Quan họ Thổ Hà, xã Vân Hà, từ năm 1989 đến nay, ông sưu tầm, thực hành khoảng 200 làn điệu, gần 600 lời ca quan họ cổ. Ông từng trình diễn quan họ tại Pháp năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Nhiều tiết mục do ông trình diễn đã giành giải cao tại các cuộc thi, liên hoan văn hóa, nghệ thuật dân gian cấp tỉnh, quốc gia. Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp vẫn tiếp tục truyền dạy quan họ ở địa phương, tham gia các sân chơi nghệ thuật, hoạt động bảo tồn di sản ở trong và ngoài tỉnh; tập huấn cho các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang, giáo viên âm nhạc của ngành giáo dục.

Nhằm phát huy vai trò của các CLB, các nghệ nhân trong việc bảo tồn di sản quan họ, thời gian qua, UBND huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa, nhất là đình, chùa để các nghệ nhân có địa điểm sinh hoạt, truyền dạy, lan tỏa quan họ trong cộng đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Phấn, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, hiện 7/7 thôn của xã đều có CLB quan họ (mỗi CLB có từ 25-30 thành viên). Nhiều gia đình có 3-4 thế hệ biết hát quan họ. Mặc dù không có thù lao song Ban Chủ nhiệm các CLB đều rất trách nhiệm, nhiệt tình với phong trào. Tại các hội thi, hội diễn, liên hoan hát quan họ của huyện và tỉnh, xã Ninh Sơn luôn có nhiều tiết mục xuất sắc và giành giải cao. Trong những thành tích đó, có công sức đóng góp lớn của các nghệ nhân.

Ông Đào Trọng Ca, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức truyền dạy quan họ, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc truyền dạy, tạo ra nhiều sân chơi văn hóa cho những nghệ nhân, CLB tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, chính quyền, ngành chức năng cần nghiên cứu, xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đối với những nghệ nhân nhằm khích lệ động viên họ gắn bó, có những đóng góp tích cực hơn nữa đối với hoạt động bảo tồn, giữ gìn di sản.

TP Bắc Giang tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

08.3456.5456 ĐĂNG KÝ TƯ VẤN